Giấc Mơ Smartphone Sạc Năng Lượng Mặt Trời – Vì Sao Mãi Không Thành Hiện Thực?

1 ngày trước 460 views Nguyễn Hoài Kim Ngọc

Smartphone Sạc Bằng Năng Lượng Mặt Trời Từng Là Một Giải Pháp Được Kỳ Vọng Sẽ Thay Đổi Cách Người Dùng Tiếp Cận Việc Sạc Pin, Nhưng Trên Thực Tế Lại Gặp Phải Quá Nhiều Hạn Chế Về Kỹ Thuật, Hiệu Suất Và Cả Trải Nghiệm Người Dùng – Khiến Công Nghệ Này Vẫn Chưa Thể Trở Thành Hiện Thực Dù Đã Được Thử Nghiệm Từ Cách Đây Hơn 20 Năm.

Vì Sao Smartphone Sạc Năng Lượng Mặt Trời Vẫn Chỉ Là Giấc Mơ?

Giữa thời đại mà pin điện thoại ngày càng không đủ dùng cho nhịp sống số, ý tưởng về một chiếc smartphone "no dây sạc – no lo" nhờ năng lượng mặt trời từng khiến giới công nghệ kỳ vọng. Tuy nhiên, dù đã được thử nghiệm từ cuối thập niên 90 và mới đây xuất hiện trở lại tại MWC 2025, giấc mơ ấy vẫn chưa thể thành hiện thực.

Ánh sáng rực rỡ, hiệu quả khiêm tốn

Tại MWC 2025, hãng Infinix gây chú ý khi trình làng nguyên mẫu smartphone tích hợp tấm pin mặt trời ở mặt lưng – có thể tạo ra công suất tối đa 2W trong điều kiện ánh nắng lý tưởng. Nhưng con số đó, trên thực tế, quá nhỏ để tạo nên khác biệt đáng kể.

Smartphone tích hợp tấm pin mặt trời ở mặt lưng

Một phép so sánh đơn giản: viên pin dung lượng 5.000mAh – tiêu chuẩn trên các smartphone hiện nay – cần hơn 9 tiếng để sạc đầy từ nguồn 2W, nếu hiệu suất đạt mức tối ưu. Trong khi đó, sạc nhanh có dây phổ biến đã lên tới 25W, thậm chí vượt mốc 100W với một số mẫu Android cao cấp. Rõ ràng, công nghệ pin mặt trời chưa thể thay thế giải pháp sạc hiện tại.

Nhiều rào cản chưa thể vượt qua

Không chỉ yếu về hiệu năng, tấm pin mặt trời còn tồn tại nhiều giới hạn kỹ thuật. Đầu tiên, chúng cần ánh nắng trực tiếp để đạt công suất tối đa. Nếu trời âm u, trong bóng râm, hoặc dưới ánh đèn trong nhà – hiệu suất gần như bằng không. Góc chiếu sáng cũng ảnh hưởng rõ rệt đến tốc độ sạc.

Với mẫu thử của Infinix, hãng dùng pin Perovskite – một vật liệu tiên tiến có hiệu suất tốt hơn pin silicon thông thường, nhưng lại xuống cấp nhanh khi sử dụng lâu dài.

Ngoài ra, để tích hợp tấm pin lên điện thoại, nhà sản xuất buộc phải đánh đổi: hoặc làm thiết bị dày hơn, hoặc thu nhỏ pin chính để lấy diện tích. Điều này cũng loại bỏ khả năng sạc không dây – một tiện ích mà người dùng ngày càng ưa chuộng. Thêm nữa, các tấm pin mặt trời rất dễ vỡ, nhưng nếu dùng ốp lưng bảo vệ lại vô tình che mất phần thu năng lượng.

Không ai muốn “nướng” điện thoại dưới nắng

Điều tối kỵ với smartphone – đặc biệt là các thiết bị dùng pin lithium-ion – chính là nhiệt độ cao. Việc liên tục phơi máy dưới nắng không chỉ không sạc được bao nhiêu, mà còn làm giảm tuổi thọ pin nghiêm trọng. Đó là lý do khiến nhiều hãng công nghệ từng “vào cuộc” rồi lại rút lui.

Smartphone Sạc Năng Lượng Mặt Trời

Ngay từ năm 1997, Nokia từng thử nghiệm điện thoại tích hợp năng lượng mặt trời. Đến năm 2009, Samsung và LG lần lượt ra mắt một vài mẫu tương tự, nhưng tất cả đều không được tiếp tục phát triển. Ví dụ, mẫu điện thoại của Samsung cần tới 1 giờ phơi nắng mới gọi được… 10 phút – quá ít ỏi để thuyết phục người dùng.

Tương Lai Nào Cho Pin Mặt Trời Trên Smartphone?

Dù là một ý tưởng đẹp, nhưng rõ ràng công nghệ này vẫn chưa đạt đến độ chín muồi để thương mại hóa rộng rãi. Những gì người dùng cần hiện nay là các giải pháp thực tế hơn: như pin silicon-carbon dung lượng cao trên OnePlus 13 (6.000mAh nhưng vẫn mỏng), hoặc các loại sạc dự phòng siêu nhỏ gọn, giá thành dễ tiếp cận.

Còn giấc mơ về smartphone sạc bằng ánh nắng? Có thể sẽ quay trở lại, nhưng ít nhất là không phải trong tương lai gần.

Nguồn: Android Police

Bạn còn thắc mắc điều chi, hãy đặt câu hỏi và HnamMobile sẽ trả lời ngay. ĐẶT CÂU HỎI
Họ tên
Số điện thoại
Email
Nhập bình luận
Nhận tin tức mới nhất
Nhận tin tức mới nhất

THU GỌN

ÁP DỤNG

hotline Mua hàng - Khiếu nại 19002012 Hotline Bảo hành / Phần mềm 19006979 Message Chat ngay với nhân viên Facebook Fanpage HnamMobile
Chat với chúng tôi