iPhone 4 ở VN là biểu tượng khoe của
"Xã hội công nhận những ai muốn trả nhiều tiền để mua đồ vật xa xỉ được xem là thành công", Cnet viết về mức giá đắt đỏ của iPhone 4 tại Việt Nam.
Trong lần trở về thăm quê hương đầu tháng này, phóng viên Dong Ngo của tạp chí Cnet Mỹ đã có loạt bài về đời sống công nghệ tại Việt Nam. Trong đó, giá bán trên dưới 2.000 USD của những chiếc iPhone 4 được xem là cao gấp nhiều lần giá trị thực. Tuy nhiên, di động mới nhất của Apple không còn là một sản phẩm công nghệ, mà đó là biểu tượng của sự thành công, khoe của.
Giá những chiếc iPhone 4 tại Việt Nam lên tới 2.500 USD. Ảnh: Cnet. |
"Trông nó hợp với cậu đấy" - "cuộc tán gẫu của họ khiến tôi chú ý, không phải tới chiếc nhẫn đính hôn lấp lánh, hay chiếc quần siêu ngắn của cả hai, mà bởi chiếc smartphone mới nhất - iPhone 4", Dong Ngo mở đầu bài viết của mình.
"Tôi đã nghe nhiều người Hà Nội gọi chiếc smartphone mới ra của Apple là iPhone 4G, một sự ngộ nhận về tên gọi, nhưng lại dễ hiểu hơn rất nhiều với họ", anh nói.
Kể từ phiên bản đầu tiên, iPhone đã trở thành món đồ công nghệ được yêu thích nhất tại Việt Nam. iPhone cũng được phân phối chính thức tại đây bởi hai nhà mạng Viettel và VinaPhone, nhưng hầu hết thiết bị có mặt tại đây đều là hàng mang dưới dạng xách tay về từ Mỹ và phải unlock trước khi sử dụng.
Theo Dong Ngo, dùng iPhone ở Việt Nam gặp khá nhiều phiền toái, bởi nếu một người tình cờ cập nhật firmware, máy sẽ bị khóa và phải unlock lại. Dù vậy, nhưng lúc iPhone 3G mới được bán ở đây, giá đã lên gấp hai lần so vơi Mỹ. Điều này làm cho việc "bẻ khóa" trở thành một nghành kinh doanh màu mỡ tại Hà Nội và TP HCM.
Một chiếc iPhone 4 quốc tế bán tại Hà Nội. Ảnh: Quốc Huy. |
Có mặt tại cửa hàng iShop (Hà Nội), Dong Ngo đã chứng kiến mức giá "khủng" của những chiếc iPhone 4. Phiên bản 32GB là 1.850 USD, trong khi model 16GB cũng 1.600 USD. Phần lớn là hàng nhập từ Pháp và không cần "bẻ khóa" để chạy trên mạng GSM. Trong 15 phút tại iShop có vài người vào xem, trầm trồ trước màn hình Retina của máy, nhưng lại bỏ đi sau khi biết giá.
"Tuy nhiên, tôi cũng gặp vài người đang dùng iPhone 4 và liên tục tự hỏi, sao họ phải trả quá nhiều tiền cho một thiết bị mà tính năng GPS vẫn chưa phổ biến ở đây. Với thu nhập trung bình 200 USD một tháng của người thành thị thì việc bỏ ra một số tiền lớn để mua iPhone 4, hẳn phải có một lý do nào đó", Dong Ngo bày tỏ.
Thắc mắc trên đã được giải đáp khi anh gặp Thu Anh, một phụ nữ trẻ trong một quán cafe tại TP HCM. Thu Anh cho biết, đã mua iPhone 4 với giá 2.500 USD. "Tôi đã đợi nó quá lâu, nhìn này, nó đẹp và nó đáng giá như thế". Tuy nhiên, với người phụ nữa này, cái sự đẹp chưa quan trọng bằng "đáng giá".
Thu Anh là một trong số ít người sở hữu iPhone 4 tại Việt Nam, và điều đặc biệt, là cô mua nó với mức giá "điên". "Tôi không hỏi cô kiếm tiền ở đâu, nhưng tôi nghĩ cô ấy không phải những người có mức lương tháng chỉ 200 USD", Dong Ngo viết.
Anh cho rằng, ở Việt Nam, có một điều mà xã hội này luôn công nhận, những ai bỏ nhiều tiền để mua đồ vật xa xỉ thì người đó được xem là thành công. iPhone 4 là "danh hiệu" cho những người muốn thể hiện khả năng đỉnh cao công nghệ, bất kể việc họ không tận dụng được hết lợi thế của máy. Sẽ là vô lý, nhưng nếu iPhone 4 rẻ hơn và dễ sử dụng hơn, thì những người như Thu Anh sẽ không quan tâm đến nó nhiều. "Cảm giác khi sở hữu một thứ mà người khác không có thật tuyệt", Thu Anh chia sẻ với một nụ cười.
Quốc Khánh