Nhìn lại năm 2014 của Android (phần 1)
Với sự kiện Google ra mắt cả 5.0 Lollipop và Android Wear, năm 2014 thực sự là một năm vô cùng đáng nhớ với các fan của chú robot xanh.
Khi Apple cuối cùng cũng đã ra mắt 2 chiếc iPhone có màn hình lớn, năm 2014 là năm các nhà sản xuất Android phải chịu sức ép rõ rệt nhất từ đối thủ lớn nhất của mình. Samsung chứng kiến lợi nhuận tụt dốc, trong khi HTC và Sony vẫn tiếp tục chìm trong khó khăn.
Nhưng ngược lại, những thiết bị đỉnh cao như HTC One M8 và Nexus 9 vẫn là minh chứng cho thấy smartphone Android không cần phải chùn chân trước iPhone hay bất kỳ một đối thủ cạnh tranh nào khác. Sự vươn lên mạnh mẽ của Xiaomi hay sự xuất hiện (và thành công) của Moto E, ASUS ZenFone cho thấy sức sống thực sự của hệ điều hành số 1 thế giới.
Hãy cùng VnReview điểm lại những sự kiện và trào lưu đáng chú ý nhất của Android trong năm 2014.
1. Android 5.0 Lollipop ra mắt
Giao diện Material Design đẹp và thanh lịch hơn hẳn các thế hệ Android trước đó
Vào tháng 6, Google khiến cả thế giới "sốt xình xịch" khi hé lộ về một phiên bản Android tuyệt đẹp có tên "Android L". Ngôn ngữ thiết kế phẳng từng được áp dụng trên Windows Phone (Microsoft) hay iOS (Apple) vẫn mang một màu sắc hoàn toàn tươi mới trên Android: gã khổng lồ tìm kiếm đã tích hợp các yếu tố đồ họa đơn giản của ngôn ngữ phẳng với các hiệu ứng điều hướng rất trực quan để tạo ra Material Design vừa đẹp, vừa tiện dụng.
Đến tháng 10, Android L chính thức ra mắt với tên gọi 5.0 Lollipop. "Kẹo mút" của Google mở cửa cho các nhà sản xuất mang kiến trúc 64-bit lên các dòng sản phẩm đỉnh cao cấp nhất: Nexus 9, Galaxy Note 4, Galaxy S5 (nâng cấp) và Kind Fire HDX 8.9 2014. Không chỉ có vậy, Google cũng đã ra mắt một bộ runtime hoàn toàn mới cho Android có tên gọi ART để thay thế cho Dalvik.
Nếu như ART và Material Design vẫn là chưa đủ để thuyết phục bạn, hãy cùng điểm danh các tính năng đột phá khác của Android 5.0: hệ thống thông báo dạng thẻ, Project Volta giúp tìm kiếm pin, mã hóa dữ liệu được mặc định trên smartphone, đồ họa đẳng cấp PC với nhiều bộ shader mới... Không còn nghi ngờ gì nữa, Android 5.0 là phiên bản Android hoàn thiện nhất, đáng mơ ước nhất trong toàn bộ lịch sử của chú robot xanh.
2. Android Wear ra mắt
Sức mạnh thương hiệu có thể giúp cho Apple Watch trở thành sản phẩm smartwatch đáng chú ý nhất trong năm, song Google mới là ông lớn công nghệ đầu tiên đột phá vào thị trường thời trang công nghệ khi ra mắt một phiên bản Android hoàn toàn mới: Android Wear.
Sự kiện Android Wear ra mắt vào tháng 4 là cột mốc thực sự đáng chú ý đầu tiên của thế giới thời trang công nghệ
Sự xuất hiện của một phiên bản Android dành riêng cho smartwatch nhanh chóng mở màn cho một loạt các thiết bị đáng chú ý: Samsung Galaxy Gear Live, LG G Watch R, ASUS ZenWatch... Trong số này, chiếc Moto 360 trở thành sản phẩm đáng chú ý nhất nhờ có mặt đồng hồ tròn thời trang và chất lượng phần cứng tuyệt đỉnh đặc trưng cho Motorola.
Dù hệ điều hành smartwatch của Google mới chỉ chủ yếu tập trung vào các tính năng căn bản như hiển thị thông báo và hỗ trợ luyện tập, sức mạnh ứng dụng của Google và cộng đồng Android ngày một lớn mạnh hứa hẹn một tương lai vô cùng sáng lạn cho Android Wear. Liệu Apple Watch có đủ sức để áp đảo Android Wear, hay liệu kịch bản Android/iOS sẽ lại tiếp diễn với phần thắng tuyệt đối thuộc về Google? Hãy cùng chờ đợi câu trả lời trong năm 2015.
3. Samsung tuột dốc
Galaxy Alpha ra mắt để trở thành đối trọng của iPhone 6 nhưng... thất bại
Những tháng cuối năm 2014 hé lộ một thông tin có thể khiến nhiều người sững sờ: Samsung ghi nhận lợi nhuận quý 3/2014 giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi lợi nhuận và doanh thu của Samsung được ghi nhận trên phạm vi toàn bộ tập đoàn (bao gồm cả các mảng điện tử, điện lạnh, xây dựng...), ai cũng hiểu rằng con số đáng thất vọng nói trên là do mảng kinh doanh thiết bị di động (smartphone, tablet) của Samsung đang tụt dốc không phanh.
Vậy đâu là lý do khiến tình trạng này xảy ra? Trước hết là chiếc Galaxy S5 mờ nhạt với chất liệu nhựa xấu xí và một loạt các tính năng không hề nổi bật so với các đối thủ Android ra mắt cùng quý như HTC One M8 hoặc LG G3. Sức hút của Galaxy S5 mờ nhạt dần trong các quý sau khi ra mắt, và đến thời điểm Apple vén màn iPhone 6, Samsung thậm chí còn phải ra mắt thêm 1 dòng sản phẩm khác (Galaxy Alpha) nhằm đối phó với chiếc iPhone của năm. Ấy vậy mà chiến lược chưa từng có tiền lệ này cũng không thể giúp công ty Hàn Quốc tránh khỏi một quý 3 ảm đạm.
So với smartphone cùng tầm giá, các sản phẩm giá rẻ của Samsung kém hơn hẳn về cấu hình
Một trở ngại khác dành cho Samsung là sự xuất hiện có phần bất ngờ của iPhone 6 Plus (các thông tin rò rỉ ban đầu đều cho rằng chỉ có iPhone 6 4.7 inch ra mắt trong tháng 9). Thay vì gần như độc chiếm thị trường phablet cao cấp, trong năm nay Galaxy Note 4 đã lần đầu phải đối mặt với một đối thủ mạnh hơn tất cả các đối thủ của những năm trước cộng lại.
Đáng lo ngại hơn cả, chiến lược sản xuất smartphone gần như không có lãi của các công ty Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã gặm nhấm dần thị phần phụ kiện smartphone giá rẻ - phân khúc đã từng làm nên thành công của Samsung. Để đối phó với tình trạng này, Samsung đưa ra tuyên bố sẽ sớm cắt giảm số lượng dòng sản phẩm và đưa ra các sản phẩm hấp dẫn hơn nữa trong năm 2015.
4. Xiaomi vươn lên vị trí số 3 thế giới
Thu hút sự chú ý đông đảo từ năm 2013, nhưng đến năm 2014 Xiaomi đột ngột tăng tốc và vươn lên vị trí số 3 thế giới ngay trong quý 3 của năm. Trong quý này, sản lượng của công ty Trung Quốc đạt 17,3 triệu chiếc, tương đương với tốc độ tăng trưởng... 211% so với cùng kỳ 2013.
Với thiết kế "vay mượn" từ Apple và giá bằng một nửa S5 hay Z3, Mi4 đạt doanh số hơn 1 triệu máy trong... một ngày!
Công thức thành công của Xiaomi không còn là một bí mật: bán smartphone trực tiếp tới tay người dùng qua mạng (nhằm giảm chi phí phân phối, chi phí marketing) và chịu tỷ lệ lợi nhuận siêu thấp giúp tạo ra các sản phẩm hấp dẫn hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh.
Chưa ai rõ công ty Trung Quốc liệu có thể duy trì mô hình này trong bao lâu, nhưng ngay "công thức Xiaomi" đã được đồng hương Huawei copy hết sức thành công: trong 1 năm, sản lượng dòng Honor giá rẻ của Huawei tăng tới 20 lần, cán mốc 20 triệu máy. Ngay cả Motorola trước khi về tay Lenovo cũng đã trở lại mạnh mẽ bằng chiếc Moto E có cấu hình hấp dẫn và mức giá chỉ 2,8 triệu đồng. ASUS sau nhiều năm mờ nhạt trên thị trường smartphone cuối cùng cũng đã đạt thành công vang dội với ZenFone có giá dưới 6 triệu đồng. Với câu chuyện từ Xiaomi, có vẻ như thị trường Android sẽ còn gắn với cụm từ "giá rẻ" trong một tương lai rất dài.
5. Nokia ra mắt smartphone Android
Nokia X là kỷ niệm buồn cuối cùng của Nokia
Đầu năm 2014, khi Microsoft và Nokia đã trở thành "người một nhà", công ty điện thoại Phần Lan khiến cả thế giới bất ngờ khi ra mắt dòng smartphone Nokia X chạy Android. Trong quý đầu năm đánh dấu các nhà sản xuất Android ồ ạt ra mắt smartphone đầu bảng, chiếc Nokia X vẫn trở nên nổi bật vì nhiều lý do: giá rẻ, giao diện Android "không giống ai" và quan trọng nhất là thương hiệu Nokia, một thương hiệu đã từng đồng nghĩa với khái niệm "điện thoại di động".
Cho đến tận bây giờ, nhiều fan vẫn chưa thực sự hiểu lý do vì sao Microsoft-Nokia cho ra mắt dòng X, nhất là trong bối cảnh Windows Phone nhắm vào cùng một thị trường với Android. Câu trả lời mà Stephen Elop (cựu CEO Nokia, trưởng bộ phận thiết bị của Microsoft) đưa ra có vẻ khá hợp lý: mang đến trải nghiệm Windows Phone cho mức giá siêu thấp (Nokia X có giá chỉ khoảng 2 triệu đồng) bằng cách "vá" giao diện Windows Phone cùng các dịch vụ Microsoft/Nokia lên Android.
Nokia (bộ phận tiếp tục hoạt động độc lập) nhượng quyền cho Foxconn sản xuất tablet N1
Nhưng Elop có nói gì thì lý do thực sự vẫn là một ẩn số, bởi Microsoft/Nokia có rất nhiều sản phẩm Lumia giá rẻ chất lượng tốt hơn hẳn Nokia X: Lumia 520, 525, 530, 535 v...v... Khi gã khổng lồ phần mềm mạnh mẽ chuyển mình dưới quyền Satya Nadella, Nokia X nhanh chóng được định đoạt số phận vào tháng 4 vừa qua.
6. Cha đẻ của Android chính thức rời Google
Vào cuối tháng 10, quá trình "bài trừ Andy Rubin" chính thức hoàn tất tại Google. Là cha đẻ và cũng là người trực tiếp "nuôi" lớn Android trong 8 năm kể từ khi hệ điều hành này được Google mua lại vào năm 2005, ít ai có thể phủ nhận được rằng Andy Rubin có vai trò quan trọng đối với Android không kém gì vai trò của Scott Forstall đối với iOS.
Andy Rubin
Nhưng cũng giống như Scott Forstall, thời điểm Andy Rubin nên rời bỏ Android cuối cùng cũng đã đến vào năm 2013. Bộ phận Android tại Google được chuyển giao cho Sundar Pichai, một người được đồn đại là "khéo léo" hơn hẳn Andy Rubin trên khía cạnh xây dựng quan hệ với các nhà sản xuất. Rubin được chuyển về Google Labs X, bộ phận chuyên phát triển các dự án đột phá của Google.
1 năm vừa qua của "cha đẻ Android" tại Labs X của Google tỏ ra quá mờ nhạt, và đến cuối tháng 10, Andy Rubin chính thức rời Google. Lời chia tay đến chỉ vài ngày sau khi 5.0 Lollipop đến tay người dùng. Cùng thời điểm, Sundar Pichai được CEO Larry Page chuyển quyền điều hành gần như toàn bộ các mảng kinh doanh trọng yếu của Google (bao gồm cả tìm kiếm và quảng cáo).
Vươn lên từ vị trí lãnh đạo Chrome, Sundar Pichai được hy vọng sẽ kế nhiệm CEO Larry Page
Còn Android? Không đầy 1 năm sau khi về tay Pichai, Android bước chân lên 5.0 Lollipop đầy tươi mới với Material Design và ART. Tầm nhìn của các nhà sản xuất cũng đang tập trung về hướng của Google – khác hẳn với thời kỳ của Rubin, khi mà trải nghiệm Android gốc quá khác biệt với TouchWiz hay Sense UI. Đây có thể coi là một cái kết có hậu (dành cho Android) trong cuộc chia ly này.
Còn Andy Rubin? Ông tuyên bố sẽ chuyển sang phát triển các sản phẩm phần cứng đột phá với "những lời chúc tốt đẹp nhất" từ Larry Page.
7. "Điện thoại xếp hình" lên ngôi
Project Ara
Motorola đã về tay Lenovo, nhưng dự án "smartphone lắp ráp" đã được Google giữ lại và tiếp tục đẩy mạnh phát triển trong năm 2014. Trong khuôn khổ sự kiện hội nghị các nhà phát triển Google I/O diễn ra vào tháng 6, gã khổng lồ phần mềm chính thức trình diễn bản mẫu đầu tiên của Project Ara. Chiếc điện thoại của Google đã có thể khởi động phần cứng nhưng vẫn chưa thể khởi động vào Android.
Đến tháng 11, chiếc smartphone Project Ara hoàn thiện đầu tiên ra mắt dưới bàn tay của NK Labs – một trong các đối tác phát triển Project Ara của Google. Phiên bản hoàn thiện đầu tiên của Project Ara có thể lắp ráp các bộ phận màn hình LED, pin, vi xử lý, loa và bộ phận sạc. Theo dự kiến, phiên bản này sẽ ra mắt vào ngày 14/1/2015 sắp tới.
Kế hoạch rò rỉ vào tháng 10 cũng cho biết Google sẽ ra mắt một cửa hàng có mô hình hoạt động tương đối giống Google Play để bán các linh kiện dành cho Ara. Đến đầu tháng 12, Google đón nhận thêm một loạt các đối tác tham gia vào thiết kế vi xử lý cho Ara, trong đó đáng chú ý nhất là "vua đồ họa" NVIDIA.
Puzzlephone
Cùng lúc, một công ty có tên Puzzlephone đến từ Phần Lan cũng mang tham vọng ra mắt một dòng điện thoại lắp ráp được chia ra làm 3 module riêng biệt: "cột sống" chứa màn hình LCD, nút bấm, loa và microphone, "trái tim" chứa pin và các linh kiện phụ và "bộ não" chứa các linh kiện chính cùng camera. Cả Puzzlephone và Ara đều có lịch ra mắt trong năm 2015, và với tiến độ phát triển như hiện nay, rất có thể 2015 sẽ là năm đánh dấu sự kiện smartphone bắt kịp với PC một cách toàn diện về khả năng tùy biến cho cả phần cứng lẫn phần mềm.
Theo: Vnreview