5 Bước chụp ảnh nghệ thuật bằng smartphone cực đỉnh
Chụp ảnh nghệ thuật là một kỹ thuật chụp ảnh khó vì thành phẩm bạn tạo ra phải có đầy đủ yếu tố nội dung lẫn cảm xúc. Tuy nhiên, chụp ảnh nghệ thuật không bị giới hạn bởi camera chuyên nghiệp, mà tự tay bạn cũng có thể chụp được bằng điện thoại smartphone của mình. Cùng khám phá cách thực hiện ngay trong bài viết sau đây nhé!
Chụp ảnh nghệ thuật bằng smartphone sao cho đẹp?
1. 5 bước giúp bạn chụp ảnh nghệ thuật bằng smartphone cực đẹp
Vì ảnh nghệ thuật đặc thù hơn so với các loại ảnh chụp thông thường nên bạn phải thao tác tuần tự theo từng bước cố định như sau.
Bước 1: Xác định đối tượng chính là người hay sự vật, lên ý tưởng chụp hình
Thấu kính của smartphone có tiêu cự giới hạn nên cần chọn đối tượng ở gần như người qua đường, xe ô tô, hoa, động vật, lá bay,... Ngược lại, rất khó để khắc họa sự chi tiết, uy phong của cảnh rừng núi, biển cả nếu chỉ dùng camera của điện thoại.
Xác định đối tượng và chủ đề ảnh chụp giúp lên ý tưởng cụ thể về chủ đề và bố cục của bức ảnh
Bước 2: Chọn vị trí đứng chụp và khoảng cách với đối tượng
Hãy chọn góc chụp chuẩn để có thể khắc họa đẹp nhất, chân thực nhất đối tượng chính của bức ảnh. Hạn chế tối đa việc zoom ảnh sẽ khiến hình ảnh bị vỡ và nhiễu hạt, giảm tính nghệ thuật.
Cần điều chỉnh vị trí và khoảng cách phù hợp giữa camera và đối tượng chụp để đảm bảo bao quát toàn bộ mọi chi tiết
Bước 3: Lấy ánh sáng và điều chỉnh bố cục
Người chụp cần cầm điện thoại đứng cùng hướng với nơi xuất phát nguồn sáng để không khiến ảnh bị tối và ngược sáng. Về mặt bố cục, càng hạn chế các đồ vật, yếu tố không liên quan ra khỏi khung hình càng tốt. Hoặc bạn cần lấy nét chuẩn vào đối tượng, tăng khẩu độ để chụp hình xóa phông.
Lấy ánh sáng và chỉnh bố cục để đảm bảo đối tượng lên hình đẹp nhất, hoàn mỹ nhất
Bước 4: Chụp thật nhiều lần
Một bức ảnh đẹp đôi khi chỉ đến từ khoảnh khắc, vì thế đừng ngần ngại việc chụp thật nhiều ảnh cùng lúc. Bạn cũng có thể thay đổi các bước 2 và bước 3 trong quy trình này để chụp được nhiều hơn, toàn diện hơn về chủ thể.
Bước 5: Chỉnh sửa hậu kỳ
Bạn có thể sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh ngay trên điện thoại như Snapseed, PicsArt,... để thêm chữ, tăng độ sáng, chỉnh tương phản,... Hoặc lưu ảnh về máy tính rồi dùng các phần mềm chuyên dụng như Photoshop, Lightroom,... để biến bức ảnh của mình trở thành một tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp thực thụ.
Chỉnh sửa hậu kỳ là bước rất quan trọng để giúp bạn có thể thêm hiệu ứng về màu sắc, loại bỏ các khuyết điểm giúp thành phẩm cuối hoàn thiện hơn
2. 9 ý tưởng chụp hình nghệ thuật được yêu thích nhất
Nếu bạn nghiêm túc với việc chụp ảnh nghệ thuật hoặc cảm thấy hứng thú với bộ môn này, hãy cùng điểm qua 9 ý tưởng chụp hình được yêu thích nhất ngay sau đây. Chắc chắn tư duy chụp ảnh nghệ thuật trong đầu bạn sẽ rõ ràng hơn và được nâng lên một tầng cao mới.
2.1. Tạo khuôn ảo (Framing)
Lợi dụng bối cảnh môi trường xung quanh, bạn có thể tạo dựng cho nhân vật chính một khung hình ảo được tạo dựng bởi các đồ vật có trong khung cảnh đó. Một số khuôn ảo phổ biến như ô cửa sổ, cửa ra vào, khoảng cách giữa hai cái cây,... Vì định hình sẵn một khung nên ý tưởng này rất thích hợp khi chụp cho đối tượng người, tĩnh vật và chụp theo kiểu chân dung.
Hàng cây hai bên tạo thành khung hình ảo chạy dọc hai bên giúp tăng chiều sâu của ảnh
2.2. Chuyển động (Movement)
Trái Đất không ngừng quay quanh Mặt Trời, Mặt Trăng cũng luôn quay quanh Trái Đất. Mọi sự sống trên thế giới đều gắn liền với chuyển động, vì thế ảnh nghệ thuật về sự chuyển động luôn bao hàm rất nhiều ý nghĩa, cũng cực kỳ sáng tạo. Khi chụp ảnh dạng chuyển động, hãy để trống một phần phía trên của ảnh để tạo cảm giác trông chân thực và có chiều sâu hơn.
Để một phần không gian trống ở phía trên ảnh khi chụp hình chuyển động giúp diễn tả chuyển động chân thực hơn
2.3 Phương hướng (Direction)
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng não chúng ta tiếp nhận thông tin theo hướng từ trái qua phải. Do đó, hãy đặt các chi tiết quan trọng của ảnh về phía bên phải để tăng độ hấp dẫn và giúp não bộ tiếp thu tốt hơn.
Đặt chủ thể sang bên phải sẽ giúp não bộ dễ tiếp thu nội dung hình ảnh hơn, qua đó trở nên bắt mắt và thu hút hơn
2.4. Góc chụp (Camera Angle)
Góc chụp ảnh hưởng rất nhiều đến tính độc đáo của bức ảnh nên thay vì cố gắng làm khác bố cục có sẵn, tại sao bạn không thử thay đổi vị trí và góc chụp của mình? Bạn chắc chắn sẽ tìm ra được những không gian sáng tạo khác mà bản thân không thể ngờ đến!
Góc chụp từ dưới lên trên vừa độc đáo vừa phô diễn toàn bộ sự uy nghi, tráng lệ của các toà nhà chọc trời
2.5. Không gian âm (Negative Space)
Không gian âm là không gian màu đơn sắc không chứa bất kỳ nội dung gì khác. Nhờ vào sử dụng không gian âm, đối tượng chính trên ảnh thành phẩm sẽ trở nên ấn tượng, nổi bật hơn rất nhiều.
Không gian âm giúp ảnh mang đậm chất nghệ thuật mà không cần thêm vào bất kỳ yếu tố nào khác
2.6. Độ sâu (Depth)
Chụp ảnh với các đường dẫn thẳng về phía xa sẽ giúp cho bức ảnh của bạn có chiều sâu và hình thành không gian 3D cực lôi cuốn.
Cánh đồng oải hương tím với các luống hoa trải dài vô tận giúp ảnh trông sâu hun hút đến tận đường chân trời
2.7. Tiền cảnh (Foreground)
Đa số các bức ảnh nghệ thuật chụp tĩnh vật và phong cảnh đều sẽ có bố cục gồm 3 lớp riêng biệt gọi là tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh. Trong đó, tiền cảnh là lớp chứa các chi tiết, đồ vật nằm ở vị trí gần với máy ảnh nhất. Sử dụng tiền cảnh một cách hợp lý sẽ giúp tăng tính nghệ thuật cho một bức ảnh nhưng không làm mất đi sự nổi bật của đối tượng chính được khắc họa.
Tiền cảnh giúp tạo điểm nhấn và tăng độ độc đáo cho ảnh chụp
2.8. Đổ bóng và phản chiếu (Shadows và reflections)
Lợi dụng việc đổ bóng phản chiếu chủ thể, bạn sẽ có thêm những ý tưởng chụp hình sáng tạo, mới lạ hơn, đồng thời cũng tăng thêm chiều sâu và tính nghệ thuật thành phẩm.
Mặt nước phẳng lặng như một chiếc gương khổng lồ phản chiếu hình ảnh gốc cây và bầu trời cực kỳ nghệ thuật
2.9. Giờ vàng và giờ xanh (Golden hour và Blue hour)
Với những bức ảnh cảnh quan chụp ngoài trời, bạn có thể sử dụng quy tắc giờ vàng và giờ xanh để tăng sức hút cho ảnh. Giờ vàng là thời điểm mặt trời lặn đến sát đường chân trời, để lại một vùng sáng tạo sự tương phản với các vùng tối xung quanh. Giờ xanh là thời điểm mặt trời đã lặn hẳn hoặc chưa mọc, vài tia sáng le lói sẽ hắt lên nền trời xanh thăm thẳm cực đẹp.
Căn chuẩn giờ vàng và giờ xanh giúp bạn có được những bức ảnh nghệ thuật đẹp một cách tự nhiên mà không cần quá nhiều kỹ thuật nhiếp ảnh phức tạp
3. Một vài lưu ý khác để có được ảnh nghệ thuật đẹp xuất sắc
Thêm một vài lưu ý khác để bạn có thể làm nên bức ảnh nghệ thuật đẹp nhất với chiếc điện thoại thông minh của mình là:
-
Khi chụp nên cầm điện thoại bằng 2 tay: Khi chụp ảnh, để tránh bị out nét hoặc bị run tay làm mất đi tính ổn định, bạn hãy sử dụng cả 2 tay để giữ điện thoại. Trong trường hợp không thế dùng cùng lúc 2 tay, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của gậy chụp ảnh, giá đỡ chụp ảnh,...
-
Điều chỉnh độ phân giải ảnh chụp ở mức cao nhất: Để hạn chế tối đa việc vỡ hình và gây khó khăn trong chỉnh sửa hậu kỳ, hãy thiết lập ảnh sản phẩm có độ phân giải cao nhất.
-
Quản lý biểu cảm gương mặt khi chụp ảnh chân dung nghệ thuật: Người được chụp cần quản lý biểu cảm nghiêm túc, phù hợp với chủ đề chụp để tạo thần thái đúng chuẩn, gia tăng tính nghệ thuật cho bức hình.
Chụp ảnh nghệ thuật là một kỹ thuật đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ, chất lượng trang thiết bị cũng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định như ống kính có độ phân giải cao, chụp thiếu sáng tốt, chức năng tự động lấy nét và phân biệt chủ thể trong hình,... Tại HnamMobile hiện đang kinh doanh một số dòng điện thoại thỏa mãn nhu cầu này như:
-
Điện thoại iPhone Pro và Pro Max từ 11 series đến 14 series
-
Điện thoại Samsung Galaxy Z Fold và Z Flip
-
Điện thoại OPPO Reno 8
-
Điện thoại OPPO A77S
Như vậy, bạn đã khám phá xong toàn bộ các tips hay để chụp ảnh nghệ thuật bằng điện thoại thông minh. Sẽ không dễ dàng để bạn sở hữu một tấm ảnh đẹp ngày từ những lần thử máy đầu tiên, nhưng nếu không ngừng học hỏi thì chắc chắn bạn sẽ có được những bức ảnh tuyệt vời nhất trong tương lai không xa.
HnamMobile